Trang chủ » KIẾN THỨC CHĂM SÓC DA » Dưỡng ẩm cho da khô, da thiếu nước » Occlusive – chất khóa ẩm hiệu quả trên da

Occlusive – chất khóa ẩm hiệu quả trên da

1. Occlusive là gì?

Occlusive hay chất khóa ẩm là các chất có khả năng giữ không cho nước từ da thoát ra môi trường bên ngoài. Đây là các chất làm tăng hiệu lực của các chất hút ẩm (humectant). Các chất này thường khóa ẩm theo cơ chế hình thành một hàng rào mỏng trên bề mặt da, hàng rào này thường có tính kị nước và không cho nước đi qua.

2. Phân loại các occlusive

Các chất khóa ẩm thường được sử dụng trong mỹ phẩm bao gồm:

– Petrolatum: Đây là hỗn hợp bán rắn của các hydrocarbon có nguồn gốc từ dầu mỏ, rất kị nước và có khả năng giữ ẩm tốt nhất. Nó làm giảm sự mất nước qua biểu bì lên tới 99%. Tuy vậy, đây cũng là chất gây bí tắc trên da và gây nhờn rít nhất.

– Các hydrocarbon khác: Có thể kể đến một số hydrocarbon khác với khả năng giữ ẩm gần tương tự như petrolatum như dầu khoáng, paraffin hay squalene. Các chất này cũng khóa ẩm tốt và gây bít tắc da nếu sử dụng đơn độc.

Các hydrocarbon nói chung ở trên rất bền về mặt hóa học (trừ squalene). Squalene sau khi được no hóa bởi hydro thành squalane cũng bền vững hóa học hơn và được sử dụng trong mỹ phẩm phổ biến hơn squalene.

– Các silicone: Loại silicone có tác dụng khóa ẩm là các silicone không bay hơi như dimethicone, vinyl dimethicone crosspolymer… Các silicone không tan trong nước và dầu, hình thành lớp màng ngăn không cho nước đi qua nhưng lại không gây nhờn rít và không cản trở hoạt động sinh lý bình thường của da, vậy nên chúng được sử dụng rất phổ biến trong mỹ phẩm.

– Dầu thực vật: Các đại diện điển hình của nhóm này là dầu dừa, dầu thầu dầu, dầu oliu, dầu hạt nho, dầu đậu nành. Các loại dầu này chứa nhiều acid béo chuỗi dài cũng như các triglyceride là ester của glycerin với các acid béo. Dầu thực vật thường có tình êm dịu, khả năng khóa ẩm kém hơn các hydrocarbon một chút, nhưng bù lại ít gây bít tắc hơn.

Các loại sáp thực vật như sáp carnauba và sáp candelilla cũng có tác dụng tương tự dầu thực vật nhưng chỉ khác là chúng ở thể rắn.

– Chất béo động vật: Các đại diện điển hình của nhóm này là dầu chồn, dầu đà điểu, lanolin (sáp lông cừu) và sáp ong. Các chất này chứa các acid béo, alcol béo chuỗi dài hoặc ester của acid với alcol và thường không chứa glyceride. Các chất này cũng có khả năng khóa ẩm khá tốt và ít gây bít tắc hơn các hydrocarbon.

Các acid béo và alcol béo chuỗi dài như stearic acid, cetyl alcol, stearyl alcol cũng có tác dụng khóa ẩm tương tự các chất béo động vật trên. Sáp ester như stearyl stearate cũng có tác dụng tương tự.

– Các sterol: Cholesterol và ceramide thuộc nhóm này. Đây là các chất thân lipid có nguồn gốc tự nhiên trên da, tham gia vào cấu trúc của của hàng rào lipid bảo vệ da. Do vậy, các chất này không gây kích ứng da, nhưng đồng thời chúng thường có giá thành đắt hơn.

3. Tính chất và công dụng của các occlusive

Nhờ khả năng hình thành hàng rào không cho nước từ da thoát ra môi trường bên ngoài, các chất khóa ẩm giữ lại nước được thoát ra từ các phần sâu hơn của biểu bì và trung bì, từ đó cung cấp ẩm cho lớp sừng. Da được giữ ẩm sẽ mềm mịn hơn, ít bong tróc hơn trong thời tiết hanh khô. Tuy nhiên, nếu khả năng cản trở sự thoát nước của da quá mạnh, chất khóa ẩm cho thể gây ra cảm giác bí và bít tắc.

Các chất khóa ẩm được sử dụng nhiều trong các mỹ phẩm dưỡng da, cấp ẩm cho da, thường phối hợp cùng các chất hút ẩm và chất làm mềm da. Ngoài tác dụng giữ ẩm, mỗi chất khóa ẩm còn đóng nhiều vai trò khác như làm mềm da (nhiều chất thân lipid có khả năng làm mềm da như các acid béo, alcol béo chuỗi dài, cholesterol, squalene, ceramide), sử dụng làm tá dược hút (lanolin tạo nhũ tương nước/dầu khi hút nước), điều chỉnh thể chất của mỹ phẩm.

 

Tài liệu tham khảo

Harwood A, Nassereddin A, Krishnamurthy K. Moisturizers. [Updated 2021 Jun 2]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2021 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK545171/

Sethi A, Kaur T, Malhotra SK, Gambhir ML. Moisturizers: The Slippery Road. Indian J Dermatol. 2016;61(3):279-287. doi:10.4103/0019-5154.182427.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *