1. Những điều cần biết về BHA
BHA (β-hydroxy acid) là các loại acid hữu cơ mà trong đó nhóm hydroxy (-OH) được gắn vào nguyên tử carbon cách nhóm carboxy (-COOH) một nguyên tử carbon khác (không giống như AHA [α-hydroxy acid] có nhóm hydroxy được gắn vào nguyên tử carbon liền kề với nhóm carboxy).
Trong suốt một thập kỷ qua, AHA ngày càng xuất hiện nhiều như một thành phần trong mỹ phẩm nhằm mục đích làm giảm các dấu hiệu lão hóa trên da. Gần đây, BHA hoặc sự kết hợp giữa BHA và AHA đã trở nên ngày càng phổ biến. Mặc dù cả AHA và BHA đều hoạt động như một chất tẩy tế bào chết, nhưng BHA có hiệu quả trong làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn và cải thiện kết cấu da tổng thể mà không gây kích ứng thường xuyên như khi sử dụng AHA.
Các loại BHA thường được sử dụng trong mỹ phẩm là salicylic acid (hoặc các hợp chất tương tự như salicylate), β-hydroxybutanoic acid, tropic acid và trethocanic acid, trong đó phổ biến nhất là salicylic acid (mặc dù trên quan điểm của các nhà hóa học thì salicylic acid không phải là một BHA thực sự, nhưng các công ty mỹ phẩm thường coi nó là BHA).
Cấu trúc hóa học của salicylic acid.
Các tác dụng trên da của BHA
– Tẩy tế bào chết: Đây là đặc tính chung của cả AHA và BHA do chúng đều là các acid hữu cơ. Khả năng tẩy tế bào chế phụ thuộc vào nồng độ, nồng độ càng cao thì khả năng loại bỏ tế bào chết càng mạnh, nhưng đồng thời khả năng gây kích ứng hoặc các tác dụng phụ khác cũng càng lớn.
– Kháng khuẩn: Do là các acid hữu cơ, BHA (và cả AHA) có khả năng tạo ra pH thấp không thích hợp cho sự phát triển của vi khuẩn. Hoạt tính kháng khuẩn giúp BHA rất hữu ích trong điều trị mụn trứng cá.
– Kháng viêm: Hoạt tính kháng viêm của BHA cũng là một đặc tính quan trọng giúp nó mang hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá.
– Cả BHA và AHA đều có ảnh hưởng trên sự sản xuất collagen và procollagen. Chúng có thể cải thiện lão hóa da do ánh sáng mặt trời, giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn và lỗ chân lông to, làm thông thoáng lỗ chân lông, cải thiện kết cấu da tổng thể.
– Một điểm khác biệt giữa BHA và AHA là BHA làm tăng cường khả năng chống lại tia UV (tia cực tím) của da.
Trên thực tế, BHA được ưu tiên sử dụng hơn trong các trường hợp mụn trứng cá, trong khi đó AHA được ưu tiên sử dụng hơn trong các trường hợp có tăng sắc tố da, da lão hóa và có nhiều nếp nhăn.
2. Điều trị mụn bằng BHA và ZnPCA
Điều trị mụn bằng BHA
BHA được sử dụng hiệu quả trong điều trị mụn nhờ khả năng loại bỏ tế bào chết mạnh (mạnh hơn AHA do BHA thân dầu hơn), làm thông thoáng lỗ chân lông, ức chế sự phát triển của vi khuẩn và kháng viêm. Tất cả các tác dụng này đều tấn công vào cơ chế gây ra mụn trứng cá (sự bít tắc của chất bã nhờn và sự phát triển của vi khuẩn).
Ngoài điều trị mụn trứng cá thông thường, BHA còn có khả năng điều trị mụn ẩn.
Loại BHA thường được sử dụng nhất trong điều trị mụn trứng cá là salicylic acid, trên thị trường có các loại nồng độ 0.5-5%, tuy nhiên đa phần các trường hợp mụn trứng cá chỉ nên sử dụng nồng độ tối đa là 2%. Nhiều sản phẩm có thể kết hợp BHA với AHA. AHA có hiệu quả điều trị mụn kém hơn BHA nhưng bù lại nó lại có khả năng điều trị tăng sắc tố sau mụn viêm tốt hơn BHA (AHA vốn thường được chỉ định cho điều trị nám da).
Trước khi sử dụng sản phẩm có chứa BHA, cần sử dụng thử sản phẩm với lượng nhỏ trên một vùng da mỏng trước (ví dụ: mặt trong cánh tay). Nếu có vấn đề gì bất thường xảy ra như kích ứng, nổi mẩn đỏ, bệnh nhân không nên sử dụng sản phẩm mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Trước khi sử dụng, cần rửa sạch vùng da bị mụn và làm khô. Sau khi sử dụng BHA, cần đợi 15-30 phút trước khi làm sạch da. Bệnh nhân có thể nổi nhiều mụn hơn sau một thời gian ngắn sử dụng, đây thực chất là các mụn ẩn và bệnh nhân không nên lo lắng về điều này vì chúng sẽ hết sau một thời gian.
BHA nên được sử dụng trước bước dưỡng ẩm da. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không được quên sử dụng các biện pháp chống nắng nếu phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Điều trị mụn bằng ZnPCA
ZnPCA, hay kẽm 2-pirrolidone 5-carboxylate, là một chất được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá và thường được phối hợp với hyaluronic acid. ZnPCA có tác dụng kháng khuẩn (chống lại C. acnes), ức chế lipase, giảm sản xuất bã nhờn, kháng viêm và ức chế 5α-reductase. Nhờ các tác dụng này mà ZnPCA có hiệu quả tốt trong điều trị mụn trứng cá, giúp da khô thoáng, không bị bít tắc. Các tác dụng của ZnPCA nhìn chung khá tương đồng với BHA (trừ tác dụng làm bạt sừng), nhưng ZnPCA ít gây kích ứng da hơn do bản thân nó là dạng muối của acid carboxylic nên không có pH thấp như BHA.
Nồng độ thường dùng là 1%, đây cũng là nồng độ kẽm tối đa cho phép sử dụng trong mỹ phẩm ở Liên minh Châu Âu (EU). Các sản phẩm điều trị mụn chứa ZnPCA cũng thường có giá thành cao hơn so với BHA.
Tương tự như BHA, cần rửa sạch và làm khô vùng da mụn trước khi sử dụng ZnPCA. Nên sử dụng 2 lần/ngày sáng và tối và không được quên sử dụng các biện pháp chống nắng bổ sung.
Tài liệu tham khảo
Abendrot M, Płuciennik E, Felczak A, et al. Zinc(II) Complexes of Amino Acids as New Active Ingredients for Anti-Acne Dermatological Preparations. Int J Mol Sci. 2021;22(4):1641. Published 2021 Feb 6. doi:10.3390/ijms22041641.
Kornhauser A, Wei RR, Yamaguchi Y, et al. The effects of topically applied glycolic acid and salicylic acid on ultraviolet radiation-induced erythema, DNA damage and sunburn cell formation in human skin. J Dermatol Sci. 2009;55(1):10-17. doi:10.1016/j.jdermsci.2009.03.011.