1. Ánh sáng xanh là gì?
Ánh sáng xanh là ánh sáng nhìn thấy (ánh sáng khả kiến) có bước sóng nằm trong khoảng 380-500 nm (ánh sáng nhìn thấy có bước sóng nằm trong khoảng 380-760 nm). Do là ánh sáng nhìn thấy nên chúng có năng lượng bức xạ thấp hơn tia cực tím (tia UV), tuy vậy ánh sáng xanh cũng được xếp vào loại ánh sáng có năng lượng cao (HEV). Vùng có bước sóng ngắn hơn (380-450 nm) có xu hướng nghiêng về màu xanh tím, trong khi vùng có bước sóng dài hơn (450-500 nm) có xu hướng nghiêng về màu xanh lam.
Ánh sáng xanh có trong ánh nắng mặt trời, các loại thiết bị điện tử mà chúng ta dùng hàng ngày như ti vi, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay (laptop)…
Ánh sáng xanh có nhiều trong các thiết bị điện tử
2. Tại sao ánh sáng xanh gây lão hoá da?
Khi thâm nhập qua da, ánh sáng xanh tạo ra các loại oxy phản ứng (ROS) và dẫn đến hình thành các gốc tự do. ROS và các gốc tự do có khả năng gây viêm và tổn thương DNA của tế bào da. Các loại ánh sáng xanh cũng gây thay đổi sắc tố da (gây tăng sắc tố, nám da, đồi mồi), làm xuất hiện nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa da khác thông qua phá vỡ lớp collagen và elastin trong lớp trung bì của da (quá trình này được gọi là stress oxy hóa).
Nhiều chuyên gia trong ngành mỹ phẩm tin rằng chúng ta nên bảo vệ da và mắt của mình khỏi các loại ánh sáng xanh, chúng đặc biệt phổ biến trong các thiết bị điện tử, máy tính và điện thoại thông minh. Ngày nay càng ngày càng có nhiều các sản phẩm chống nắng và kính mắt có thể bảo vệ người sử dụng khỏi các loại ánh sáng xanh. Tuy nhiên, hiện tại không có tiêu chuẩn thử nghiệm nào để đo lường mức độ bảo vệ khỏi ánh sáng xanh.
Khả năng xuyên qua da của các loại bức xạ từ ánh sáng mặt trời và ảnh hưởng của chúng đến da.
Cần chú ý rằng ánh sáng xanh không hoàn toàn xấu. Nó là một phần tất yếu cấu thành nên ánh sáng nhìn thấy và bạn không thể loại bỏ hoàn toàn sự tiếp xúc của cơ thể với ánh sáng xanh. Ánh sáng xanh chỉ có hại khi chúng ta tiếp xúc với nó quá nhiều mà không hoặc ít có thời gian nghỉ.
3. Vai trò của ba loại oxide sắt trong ngăn chặn ánh sáng xanh
Điều quan trọng cần nhớ là ánh sáng mặt trời ảnh hưởng đến da ngay cả trong những ngày thời tiết nhiều mây và có vẻ ít nắng. Vì vậy chúng ta vẫn cần sử dụng các sản phẩm bảo vệ da ngay cả khi trời không có nắng.
Nhiều loại kem chống nắng hiện nay có khả năng bảo vệ da chống lại sự tấn công của các tia UVA và UVB. Tuy nhiên, các hoạt chất được sử dụng để lọc tia UVA và UVB lại không đủ khả năng để lọc ánh sáng xanh (ví dụ: titan dioxide, kẽm oxide). Oxide sắt là một trong những tác nhân hiếm hoi có khả năng ngăn chặn ánh sáng xanh và bảo vệ làn da của chúng ta khỏi sự lão hóa.
Oxide sắt bao gồm ba loại là oxide sắt đỏ (Fe2O3), oxide sắt vàng (Fe(OH)3/FeOOH) và oxide sắt đen (Fe3O4). Mỗi loại có những đặc điểm khác nhau. Một nghiên cứu đã cho thấy sự kết hợp giữa titan dioxide, kẽm oxide và oxide sắt có khả năng cản trở 71.9-85.6% bức xạ có bước sóng 415-465 nm.
Kem chống nắng có công thức chứa oxide sắt đã được chứng minh là hỗ trợ điều trị nám và ngăn ngừa sự tăng sắc tố ở những bệnh nhân bị nám da, kể cả những người da sẫm màu (loại da Fitzpatrick IV-VI). Điều quan trọng là mỗi loại oxide sắt lại có khả năng làm giảm tối đa sự ảnh hưởng của ánh sáng xanh ở những bước sóng khác nhau. Oxide sắt vàng có khả năng cản trở ánh sáng có bước sóng dưới khoảng 500 nm, trong khi các oxide sắt đỏ có khả năng cản trở ánh sáng có bước sóng dưới khoảng 570 nm. Oxide sắt đen có khả năng cản trở ánh sáng trên toàn bộ quang phổ nhìn thấy được. Kết hợp cả ba loại oxide sắt này với kẽm oxide sẽ có tác dụng cản trở ánh sáng xanh và đặc biệt là làm giảm sự ảnh hưởng của ánh sáng xanh có bước sóng nằm trong phạm vi 400-430 nm, đây là bước sóng thường liên quan đến sự hình thành hắc tố. Như vậy, để cản trở hiệu quả ánh sáng xanh, cần sử dụng những sản phẩm có sự kết hợp của cả ba loại oxide sắt này và kẽm oxide.
Một nhóm các nhà điều tra đã phát triển một phương pháp mới để đánh giá hiệu quả của kem chống nắng bằng cách xác định “yếu tố bảo vệ ánh sáng nhìn thấy” (PF-VIS) và “yếu tố bảo vệ sắc tố” (PPF). Các sản phẩm chứa oxide sắt có giá trị PF-VIS > 3, trong khi những sản phẩm không chứa oxide sắt có giá trị PF-VIS < 2. Giá trị PPF trong các sản phẩm có chứa oxide sắt > 7, trong khi những sản phẩm không chứa oxide sắt có giá trị PPF < 5. Mặc dù hệ thống đo lường này vẫn cần phải phát triển thêm, nhưng tác dụng bảo vệ của oxide sắt đối với cả tia UVA bước sóng dài và ánh sáng xanh là rất rõ ràng.
Oxide sắt có rất ít tác dụng phụ và hầu như không gây kích ứng. Ngoài ra, chúng cũng thân thiện với môi trường.
Tài liệu tham khảo
Bernstein EF, Sarkas HW, Boland P. Iron oxides in novel skin care formulations attenuate blue light for enhanced protection against skin damage. J Cosmet Dermatol. 2021 Feb;20(2):532-537. doi: 10.1111/jocd.13803.
- Điều trị nám da bằng tranexamic acid – Pharmaform
- Tàn nhang – Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị cùng Pharmaform
- Axit Alpha Hydroxy (AHA) trong dược mỹ phẩm của pharmaform
- Những điều cần biết về BHA, điều trị mụn bằng BHA và ZnPCA – PHARMAFORM
- Vitamin B5 có tác dụng gì cho da? Pharmaform Hydra 5 Complete Serum có gì?