Mụn trứng cá là gì?
Mụn trứng cá là tình trạng rối loạn viêm của các tuyến bã nhờn dưới da, thường mang tính chất mạn tính và tự giới hạn. Mụn trứng cá thường xảy ra ở độ tuổi dậy thì và thường liên quan đến vi khuẩn Cutibacterium acnes. Đây là một tình trạng rất phổ biến, các tổn thương mụn có thể viêm hoặc không viêm, chủ yếu xuất hiện ở mặt, nhưng cũng có thể xuất hiện ở lưng, ngực, cánh tay.
Nguyên nhân gây mụn trứng cá
Một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng mụn trứng cá:
– Rối loạn nội tiết tố: mang thai, tuổi dậy thì, hội chứng buồng trứng đa nang.
– Thuốc: các steroid, thuốc chống động kinh.
– Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá mức.
– Mặc quần áo quá kín và bí, khó thoát mồ hôi.
– Di truyền.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm mụn trứng cá:
– Thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao: các sản phẩm từ sữa, chocolate, đồ ăn vặt do chúng chứa các yếu tố tăng trưởng giống insulin kích thích tăng sinh biểu bì nang lông.
– Sử dụng các mỹ phẩm quá thân dầu gây bít tắc da.
– Tâm trạng lo lắng, tức giận do chúng kích thích cơ thể sản xuất nhiều hơn các hormone steroid nội sinh.
Phân loại mụn trứng cá
Các mụn trứng cá được phân loại thành hai nhóm lớn:
– Mụn không viêm: bao gồm mụn đầu trắng (whitehead comedo) và mụn đầu đen (blackhead comedo). Mụn đầu đen thực chất có nguồn gốc từ mụn đầu trắng có nhân mụn bị oxy hóa trong không khí.
– Mụn viêm: Mụn được coi là bị viêm khi có sự phát triển của vi khuẩn.
+ Mụn sẩn (papular acne): phần mụn sưng đỏ và dày lên trên bề mặt da.
+ Mụn mủ (pustular acne): trong nhân mụn là mủ.
+ Mụn sẩn – mủ (papulopustular acne): sự kết hợp của mụn sẩn và mụn mủ.
+ Mụn bọc (nodular acne) và mụn nang (cystic acne): Tình trạng viêm của mụn trứng cá rất nặng, cấu trúc nang lông bị tổn thương nghiêm trọng.
Sau khi mụn được chữa khỏi hoặc tự khỏi, bệnh nhân có thể bị tăng sắc tố sau viêm, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ vùng da đó.
Cơ chế hình thành mụn
Có bốn quá trình liên quan đến sự hình thành mụn trứng cá: sản xuất quá mức bã nhờn, hiện tượng dày sừng, sự xâm nhập của vi khuẩn C. acnes và quá trình viêm.
Sản xuất quá mức bã nhờn là kết quả của nồng độ androgen trong máu tăng cao hoặc tuyến bã nhờn tăng nhạy cảm với nồng độ androgen bình thường. Lớp sừng dày lên làm bít tắc đường ra của chất nhờn, làm cho nó bị ứ đọng lại và gây nên mụn. Thời điểm này mụn chưa bị viêm. Khi có sự xâm nhập và nhân lên của vi khuẩn, cơ thể sẽ phản ứng bằng các đáp ứng miễn dịch gây viêm, lúc này ta gọi chúng là mụn viêm.
Các cách điều trị mụn trứng cá hiệu quả
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ mắc mụn trứng cá. Bệnh nhân bị mụn thường được khuyến khích tránh các loại thực phẩm như chocolate, thức ăn cay, đồ ăn vặt và đồ uống có gas.
Một nghiên cứu cho thấy rằng một chế độ ăn uống giàu protein và ít đường làm giảm nguy cơ tổn thương do mụn trứng cá.
Quản lý tâm trạng bản thân cũng là một yếu tố góp phần không nhỏ trong điều trị mụn. Bệnh nhân cần giữ tâm lý thoải mái, không thường xuyên lo lắng, cáu giận. Họ cũng được khuyên không nên thức khuya nhiều, gây đảo lộn nhịp sinh học của cơ thể.
Điều trị bằng thuốc
Các thuốc điều trị có thể được sử dụng theo đường tại chỗ hoặc toàn thân. Trong mọi trường hợp, luôn ưu tiên thuốc điều trị tại chỗ hơn nếu có thể để hạn chế các tác dụng không mong muốn đến mức tối đa.
Điều trị tại chỗ
– Benzoyl peroxide: Thuốc có tác dụng chống viêm, diệt khuẩn và tiêu mụn. Nó có thể được bán mà không cần đơn của bác sĩ, sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với kháng sinh và/hoặc retinoid tại chỗ. Sử dụng benzoyl peroxide không gây ra đề kháng thuốc. Nó an toàn trong thai kỳ.
Các tác dụng phụ của benzoyl peroxide là rát, khô da, cảm giác châm chích, ban đỏ, bong tróc da.
– Retinoid: Các retinoid là dẫn xuất của vitamin A. Các thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ phê duyệt là tretinoin, adapalene và tazarotene. Tazarotene hiệu quả hơn tretinoin và adapalene, adapalene ít gây kích ứng da hơn. Các thuốc này thường được kết hợp với kháng sinh tại chỗ (như clindamycin) hoặc benzoyl peroxide để tăng cường tuân thủ điều trị.
Các tác dụng phụ của retinoid là ban đỏ, kích ứng da, khô và ngứa da, nhạy cảm ánh sáng. Không nên sử dụng các retinoid trong thời kỳ mang thai.
– Kháng sinh tại chỗ: Thường sử dụng clindamycin 1% và erythromycin 2% điều trị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình, kết hợp với benzoyl peroxide. Các kháng sinh này có tác dụng chống viêm và kìm hoặc diệt khuẩn. Clindamycin được ưa dùng hơn erythromycin do tình trạng đề kháng hiện tại của vi khuẩn C. acnes với erythromycin. Để giảm nguy cơ kháng thuốc, không sử dụng kháng sinh tại chỗ đơn độc hoặc điều trị duy trì và thời gian điều trị không quá 12 tuần.
Các tác dụng phụ của kháng sinh tại chỗ là ban đỏ, ngứa và rát, chủ yếu khi sử dụng kết hợp với benzoyl peroxide và retinoid.
– Azelaic acid: Azelaic acid 15% hoặc 20% được FDA Hoa Kỳ chấp thuận là phương pháp điều trị thay thế cho mụn trứng cá, có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các tác nhân khác. Nó có tác dụng sát khuẩn, chống viêm và tan mụn nhẹ. Thuốc an toàn trong thai kỳ và có hiệu quả với rối loạn sắc tố sau mụn viêm.
Các tác dụng phụ của Azelaic acid là bỏng rát, châm chích, giảm sắc tố ở người có da sẫm màu.
– Dapsone: Dapsone 5% hoặc 7.5% có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị mụn trứng cá do có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn. Thuốc có thể gây kích ứng cục bộ nhẹ.
– Các tác nhân khác: BHA (β-hydroxy acid) như salicylic acid có thể được sử dụng với nồng độ 2% hoặc thậm chí cao hơn là 10-20% trong lột da hóa học. Một số chất khác có thể được sử dụng là lưu huỳnh, niacinamide (nicotinamide), sulfacetamide, kẽm hoặc resorcinol. Tuy vậy, bằng chứng lâm sàng hỗ trợ hiệu quả của chúng khá yếu.
Điều trị toàn thân
– Kháng sinh toàn thân: Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD) khuyến nghị sử dụng doxycycline và minocycline là liệu pháp điều trị đầu tay dựa trên các nghiên cứu chỉ ra tính ưu việt hơn tetracycline và azithromycin. Trimethoprim/sulfamethoxazole dùng cho những bệnh nhân không đáp ứng hoặc không dung nạp với tetracycline hoặc macrolide. Penicillin và cephalosporin không được khuyến cáo vì dữ liệu lâm sàng hạn chế. Tuy nhiên, chúng có thể được chỉ định trong những trường hợp đặc biệt như bệnh nhân dị ứng với nhiều nhóm thuốc và phụ nữ mang thai.
Sarecycline là một kháng sinh nhóm tetracycline mới có phổ hẹp. được FDA Hoa Kỳ phê duyệt để điều trị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng ở trẻ em từ 9 tuổi trở lên.
Sử dụng kháng sinh đường uống trong thời gian ngắn nhất có thể (không quá 12 tuần), ngoại trừ một số trường hợp. Sau khi hoàn thành liệu trình kháng sinh, nên sử dụng retinoid tại chỗ để điều trị duy trì.
– Retinoid toàn thân (isotretinoin): Isotretinoin có tác dụng trên tất cả các cơ chế gây mụn trứng cá và được chỉ định cho mụn trứng cá nặng, dai dẳng, mụn trứng cá kháng trị.
Isotretinoin có thể gây khô da, bùng phát mụn trứng cá, khô mắt, đau đầu, tăng men gan. Phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai không được phép dùng isotretinoin do thuốc gây quái thai nghiêm trọng.
– Thuốc tránh thai nội tiết: Các thuốc này có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành. Các thuốc được FDA Hoa Kỳ phê duyệt cho phụ nữ từ 15 tuổi trở lên là ethinyl estradiol/norgestimate, ethinyl estradiol/norethindrone acetate/sắt fumarate, ethinyl estradiol/drospirenone và ethinyl estradiol/drospirenone/levomefolate. Chỉ sử dụng các thuốc này khi bệnh nhân không dung nạp với các liệu pháp trên. Quá trình cải thiện có thể mất ít nhất 3 tháng.
– Thuốc kháng androgen: Có một số nghiên cứu hạn chế chứng minh hiệu quả của spironolactone (chất đối kháng thụ thể aldosterone) và flutamide (chất chẹn thụ thể androgen) trong điều trị mụn trứng cá. AAD khuyến nghị sử dụng spironolactone. Spironolactone nên được sử dụng cùng với các thuốc tránh thai. Spironolactone có thể gây căng tức vú, kinh nguyệt không đều và tăng kali máu. AAD không khuyến nghị sử dụng flutamide vì nguy cơ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
– Corticoid: Prednisone (5-15 mg/ngày) đã chứng minh được hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá và có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên, các tác dụng phụ tiềm ẩn nghiêm trọng hạn chế việc sử dụng nó.
Tài liệu tham khảo
Sutaria AH, Masood S, Schlessinger J. Acne Vulgaris. [Updated 2021 Aug 9]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2021 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459173/
Oge’ LK, Broussard A, Marshall MD. Acne Vulgaris: Diagnosis and Treatment. Am Fam Physician. 2019 Oct 15;100(8):475-484.
- Những điều cần biết về BHA, điều trị mụn bằng BHA và ZnPCA – PHARMAFORM
- Pharmaform – Bakuchiol là gì? Có tác dụng như thế nào trong làm đẹp?
- Nguyên nhân gây mụn và các cách điều trị hiệu quả
- Retinol chuyển hóa như thế nào khi sử dụng trên da?
- Natri hyaluronate là gì? Công dụng của chúng trong mỹ phẩm?