Trang chủ » KIẾN THỨC CHĂM SÓC DA » Dưỡng ẩm cho da khô, da thiếu nước » Emollient – chất dưỡng ẩm cho da nhạy cảm

Emollient – chất dưỡng ẩm cho da nhạy cảm

1. Emollilent là gì?

Emollient hay các chất làm mềm là các chất có khả năng cải thiện độ mềm mại, linh hoạt và mịn màng của làn da. Chất làm mềm thường được sử dụng trong nhiều loại mỹ phẩm khác nhau. Tính trơn láng, mịn màng của da góp phần vào sự hài lòng của người sử dụng.

2. Phân loại các emollient

Các chất làm mềm có thể được phân loại như sau:

– Ceramide và pseudoceramide: Trong lớp sừng, ceramide là thành phần chính của lớp lipid và cùng với lipid trung tính, chúng hoạt động như một hàng rào bảo vệ da. Tuy nhiên, các ceramide tự nhiên hoặc tổng hợp khá đắt, vì vậy người ta đã nghĩ ra một số pseudoceramide (ceramide giả) để có thể thay thế ceramide làm chất làm mềm.

– Cholesterol: Đây là một thành phần quan trọng của màng tế bào cũng như lớp lipid bảo vệ da. Vai trò của nó tương tự như các ceramide và pseudoceramide. Cholesterol và ceramide hiện đang được sử dụng rất nhiều trong các loại mỹ phẩm. Chúng có thể dễ dàng kết hợp với các liposome và làm cho kết cấu da trở nên mềm mại và mịn màng hơn.

– Acid béo chuỗi dài: Các đại diện của nhóm này bao gồm stearic acid, linoleic acid, oleic acid và lauric acid. Đây là các acid béo thiết yếu được tìm thấy trong các nguồn chất béo tự nhiên như dầu cọ, dầu dừa và mỡ lông cừu.

– Alcol béo chuỗi dài: Các đại diện của nhóm này bao gồm cetyl alcol, stearyl alcol và cetostearyl alcol.

Các acid béo và alcol béo chuỗi dài ảnh hưởng lên sinh lý và bệnh lý của da thông qua tác động trên chức năng hàng rào bảo vệ của da, sản xuất eicosanoid, tính linh động màng tế bào và các con đường tín hiệu. Dầu hạt cải đã được chứng minh là làm giảm sự kích ứng da gây ra bởi natri lauryl sulfate (SDS).

– Squalene và squalane: Squalene là một trong những loại lipid phổ biến nhất được sản xuất bởi các tế bào da người và là một thành phần của bã nhờn. Nó là một hợp chất isoprenoid và là chất trung gian trong quá trình tổng hợp cholesterol. Mặc dù squalene được cơ thể sản xuất tự nhiên, nhưng quá trình này chậm lại đáng kể sau tuổi 30, do đó góp phần gây ra khô da. Nó cũng bảo vệ bề mặt da người khỏi quá trình peroxy hóa lipid do tiếp xúc với tia cực tím (UV) và các nguồn bức xạ ion hóa khác. Squalane là một dạng squalene bão hòa, trong đó các liên kết đôi đã bị no hóa bằng hydro. Squalane ít bị oxy hóa hơn squalene, do đó được sử dụng phổ biến hơn. Squalane không gây cảm giác nhờn, không mùi, không bít tắc lỗ chân lông, kháng khuẩn và an toàn cho da nhạy cảm. Bên cạnh tác dụng làm mềm da, nó cũng được sử dụng để điều trị các rối loạn da khác như viêm da tiết bã, mụn trứng cá, vẩy nến hoặc viêm da dị ứng.

– Các ester: Bao gồm chủ yếu là các ester của acid béo chuỗi dài như decyl oleate, isopropyl palmitate, glycerin stearate, octyl stearate, isopropyl myristate, octyl octanoate, isopropyl isostearate và diisopropyl dilinoleate. Các ester này không chỉ làm mềm da mà còn dịu nhẹ và ít gây kích ứng.

– Silicone: Có thể kể đến cyclomethicone và dimethicone là hai loại silicone phổ biến trong mỹ phẩm. Các chất này làm mềm mịn da mà không gây nhờn rít và không ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý bình thường của da.

– Các loại dầu thực vật: Đại diện là dầu thầu dầu và dầu jojoba. Các loại dầu này giàu acid béo chuỗi dài hoặc triglyceride tương ứng. Chúng ít khi gây kích ứng trên da.

3. Tính chất và công dụng của các emollient

Các chất làm mềm da có khả năng lấp đầy vào những vị trí nứt giữa các tế bào, làm đầy bề mặt da, từ đó làm da mềm mịn. Các chất này hỗ trợ hàng rào bảo vệ da, cải thiện kết cấu và vẻ ngoài của da.

Các chất này thường dùng tốt cho da nhạy cảm. Chất làm mềm thường được sử dụng phối hợp với các chất hút ẩm, chất khóa ẩm và chất nhũ hóa trong các mỹ phẩm dưỡng da, cung cấp ẩm và trẻ hóa làn da được sử dụng hàng ngày. Ngoài tác dụng làm mềm da, một số chất còn có vai trò khác như khóa ẩm (các silicone, acid và alcol béo chuỗi dài), nhũ hóa nhẹ (oleic acid), dung môi hòa tan (ester) hoặc điều chỉnh thể chất của sản phẩm.

Tài liệu tham khảo

Sethi A, Kaur T, Malhotra SK, Gambhir ML. Moisturizers: The Slippery Road. Indian J Dermatol. 2016;61(3):279-287. doi:10.4103/0019-5154.182427.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *